Tham dự và chủ trì Họp báo có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam; TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên Hiệp hội và các phóng viên báo chí, truyền hình.
Theo khảo sát của Hiệp hội BĐS Việt Nam, kết thúc quý I/2017, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 thấp hơn năm trước nhằm chuẩn bị cắt giảm nợ và đảm bảo ổn định tài chính. Tại Mỹ, FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản theo lộ trình đã thông báo hồi cuối năm trước. Trong khi đó, Anh công bố thời điểm kích hoạt chương trình rời khỏi EU (Brexit). Giá cả năng lượng thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi sau khi các cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ có hiệu lực.
Trong nước, dù khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã phục hồi so với năm 2016, nhưng sự suy giảm tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng đã khiến tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Trong đó, giá trị sản xuất toàn ngành Xây dựng tăng 6,1% thấp hơn mức tăng 8,6% của năm 2016.
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS vẫn đón nhận những thông tin khả quan. Cụ thể, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng cao, tăng 29% so với quý IV/2016; 3 tháng đầu năm có trên 1 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam. Lượng vốn FDI đổ vào BĐS trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2017 đạt 334 triệu USD tăng 91,5%.
So cùng kỳ năm ngoái và số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, trong quý I đã có 924 doanh nghiệp, tăng 55% về số doanh nghiệp và 31,1% về số vốn. Điều này cho thấy, thị trường BĐS năm 2017 vẫn tiếp tục sự ổn định của năm 2016 và có phần mạnh mẽ hơn nhờ những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp cho nền kinh tế vĩ mô có điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài và bền vững.
Nhận định khái quát về thị trường BĐS Việt Nam quý I/2017, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Thị trường những tháng đầu năm giao dịch chững lại do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán. Bước sang tháng 3, thị trường sôi động hơn, lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm đã tăng trở lại. Những dự án tốt do các chủ đầu tư có uy tín triển khai vẫn bán khá tốt trên thị trường.
Ngoài ra, những dự án nhiều tiện ích, hạ tầng đầy đủ, hoặc có khả năng tận dụng được cơ hội từ các tuyến buýt nhanh (BRT), hay đường sắt trên cao (MRT) cũng đạt mức thanh khoản khá cao.
Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam trình bày về tình hình giao dịch BĐS trong quý I/2017 và dự báo triển vọng quý II/2017.
Theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch thành viên thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý I/2017 ghi nhận giao dịch ở cả nhà ở, đất nền và BĐS nghỉ dưỡng giảm sút so với quý IV/2016 và cùng kỳ năm 2016, đạt 18.338 giao dịch. Tại thị trường TP. HCM, căn hộ cao cấp thanh khoản chậm, căn hộ trung cấp chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất trong khi đó tại thị trường Hà Nội, giao dịch chung cư duy trì ở mức độ ổn định, căn hộ trung bình chiếm tỷ trọng nhỉnh hơn căn hộ trung cấp.
Số liệu báo cáo từ các sàn, giao dịch cho thấy, quý I/2017, thị trường BĐS Đà Nẵng đặc biệt sôi động ở phân khúc đất nền với hơn 1.000 giao dịch.
Cụ thể hơn, ông Đính cho biết, tại địa bàn Hà Nội, tổng giao dịch thị trường chung cư quý I/2017 đạt 3624 căn hộ tương đương 312.300m2. Các giao dịch thành công chủ yếu tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp do nguồn cung chính trên thị trường vẫn tập trung tại phân khúc này.
“Giai đoạn này, thị trường không có thêm các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Đồng thời, số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới rất ít, lượng giao dịch thành công loại hình này không nhiều”, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Đáng chú ý, trong tháng 3, căn hộ trung cấp khu Tây Hà Nội rầm rộ bung hàng với Hanoi Paragon, La Casa Villa, Garden Hill Mỹ Đình, Anland Complex, Xuân Mai Complex, Golden Field Mỹ Đình, Pandora, Park Riverside…
Tại khu Nam Hà Nội, dòng sản phẩm trung cấp tiếp tục khuấy động thị trường với Eco Green Tower, Eco-Lake View, Sunshine Palace, Gelexia Reverside, Smile Building, The Golden Star…
Tại TP. HCM, tổng giao dịch chung cư quý I/2017 đạt 9.808 căn hộ tương đương 742.700m2. Cũng như thị trường Hà Nội, lượng giao dịch thành công vẫn tập trung tại các dự án căn hộ trung và cao cấp.
Ông Đính cho rằng, phân khúc trung cấp cũng là nguồn cung chủ đạo của thị trường BĐS TP. HCM trong tháng 3. Nguồn cung này tập trung chủ yếu ở khu Đông, Nam và Tây thành phố. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như The Art, Citisoho, LuxGarden, Celadon City, Green Town Bình Tân, Sun Square, Conic Skyway Residence, The Golden Star…
Theo lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tồn kho BĐS có dấu hiệu chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.
“Hiện chưa có số liệu mới nhất nhưng tính đến hết tháng 2/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12/2016 – tương đương mức giảm 4,67%; còn so với tháng 1 thì giảm 575 tỷ đồng”, ông Đính cho biết.
Về giá cả BĐS, theo ông Đính, trong 2 tháng đầu năm không có nhiều biến động do tháng này trùng với thời điểm tết Nguyên đán. Sang tháng 3 đã có sự biến động rõ ràng về giá cả.
Khảo sát của các thành viên trực thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, giá cả nhà chung cư chỉ tăng khoảng 1,5 – 3% so với tháng trước nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước giá chung cư đã tăng 7 – 10%.
Ngoài ra, điểm chú ý trong quý được ông Đính nhận định là sự tăng giá mạnh mẽ của phân khúc đất nền ở Đà Nẵng và TP. HCM, có những nơi tăng tới 10 – 40% so với thời điểm cuối 2016, như ở quận 2, quận 9 và Thủ Đức.
Tại thị trường Đà Nẵng, giá đất nền khu vực ven sông Hàn, ven biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Hoà Xuân, Hoà Quý, Nam cầu Nguyễn Tri Phương, Đào Bá Tùng và tất cả khu vực trục Nam TP. Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), so với thời điểm cuối năm 2016, giá tăng từ 30 – 50%.
Trong khi đó, “trái ngược với sự tăng giá của đất nền, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè ở hai đô thị Hà Nội và TP. HCM khiến phân khúc nhà mặt phố cho thuê có sự sụt giảm về giá và có khả năng sẽ còn giảm trong thời gian tới khi các hộ kinh doanh muốn trả mặt bằng để tìm vị trí thuận lợi hơn”, ông Đính cho biết.
Dự báo về triển vọng thị trường BĐS quý II/2017, PCT Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trên thị trưởng sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới. Giao dịch quý II/ 2017 sẽ tốt hơn giao dịch quý I/2017 do ở thời điểm quý I có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nên giao dịch hạn chế, đây cũng là xu hướng chung của các năm.
Đặc biệt, một số dự án BĐS từ các chủ đầu tư có thương hiệu như Vingroup, Eurowindow,… sắp tới sẽ tung ra một lượng lớn các nhà ở phân khúc trung bình, đây là phân khúc có nhu cầu lớn mà thị trường đang chờ đợi, vì vậy thị trường dự báo sẽ sôi động ở phân khúc này và thanh khoản cũng sẽ tốt hơn.
Về thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, theo lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, loại hình này sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam tầng lớp trung lưu nhờ tiềm năng du lịch đang lớn. Ngoài ra, BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung nhiều hơn trong quá trình sắp xếp lại thị trường bán lẻ Việt Nam. Về nguồn vốn cho phát triển BĐS, FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.
Báo cáo thị trường BĐS của Hiệp hội BĐS Việt Nam ra hàng tháng với mục đích như một nguồn thông tin tham khảo đa chiều cho các cơ quan thông tấn báo chí khai thác dẫn nguồn. Sau hơn 2 năm báo cáo ra thường xuyên theo tháng, sự kiện Họp báo Công bố số liệu Thị trường BĐS quý I và triển vọng quý II/2017 là lần đầu tiên Hiệp hội BĐS Việt Nam công bố báo cáo quý và sẽ nằm trong chương trình hoạt động thường xuyên của Hiệp hội.