Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, tình hình thị trường bất động sản quý 1 năm nay vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Cụ thể, các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt hơn 53.200 sản phẩm nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 7.600 sản phẩm (tỉ lệ hấp thu là 14,3%).
Trong đó, lượng cung mới chào bán gần 18.700 sản phẩm (hơn 8.350 căn hộ chung cư; hơn 10.300 nhà ở thấp tầng). Giao dịch thành công là hơn 2.750 sản phẩm (tỉ lệ hấp thu là 14,8%, chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Giao dịch từ các sản phẩm đã chào bán từ năm 2019 là hơn 4.850 sản phẩm (tồn kho từ 2019 là hơn 34.550 sản phẩm, phân khúc căn hộ cao cấp tồn kho nhiều nhất). Tại Hà Nội có hơn 8.950 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.300 sản phẩm. Lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng quý 1 tại Hà Nội có 15 dự án, với hơn 9.400 sản phẩm, tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 8.850 căn hộ chung cư và 536 căn thấp tầng, chủ yếu của VinGroup.
Tại TP.HCM có hơn 8.400 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.400 sản phẩm. Lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng quý 1 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt, với hơn 2.800, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 2.700 căn hộ chung cư và 80 sản phẩm thấp tầng.
Đáng chú ý, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4.2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Thị trường trầm lắng, bất động sản vẫn không giảm giá. Giá bất động sản không giảm dù thị trường ít giao dịch, ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19
Cũng theo Hội Môi giới bất động sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chủ đầu tư và sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người; khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Thạch Thất, Hà Nội),…
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý 2 năm nay, thị trường căn hộ ở tại Hà Nội và TP.HCM vẫn có giao dịch nhưng không nhiều, chủ yếu ở phân khúc bình dân, trung cấp, do nhu cầu nhà ở của người dân vẫn cao.
Trong quý 2, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức 1 con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Về giá bán căn hộ tại các đô thị, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều. Còn giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm dẫn đến áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá.